Trung tâm Giống và Bảo tồn nguồn gen Vi sinh vật

Bộ Công Thương mới đây đã tổ chức hội thảo “Xây dựng và triển khai danh mục công nghệ, sản phẩm công nghệ cao về công nghệ sinh học ngành Công Thương đến năm 2030”. Hội thảo có sự có mặt của đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, và các đại biểu đến từ các Viện Công nghiệp Thực phẩm, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia HN và đại diện đến từ các doanh nghiệp.

Ông Trần Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ chủ trì hội thảo

Với mục tiêu nghiên cứu tạo ra các công nghệ sinh học tiên tiến, ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả các công nghệ này trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương chủ trì được thực hiện. Cho đến nay, công nghệ vi sinh và công nghệ enzyme là hai lĩnh vực chủ chốt được triển khai của Đề án. Trong đó, ứng dụng sản xuất các chế phẩm vi sinh, enzyme phục vụ công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng là định hướng trọng tâm.

Dựa trên những kết quả và kinh nghiệm triển khai thực hiện Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020, Bộ Công Thương đang tiếp tục xây dựng danh mục công nghệ, sản phẩm công nghệ cao về công nghệ sinh học ngành Công Thương triển khai đến năm 2030.

Định hướng ứng dụng công nghệ, sản phẩm công nghệ cao về công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến là hướng đi được Bộ Công Thương ưu tiên, chú trọng. Mục tiêu chung là đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ cao trong công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị sản xuất để nâng cao hiệu quả ứng dụng nghiên cứu, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để tạo ra các sản phẩm sạch và an toàn tại các doanh nghiệp; đón đầu cơ hội phát triển đột phá từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tạo ra một ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng và góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030.

Các đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Tại hội thảo, PGS. TS. Phí Quyết Tiến – Phó Viện Trưởng Viện Công nghệ sinh học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng đã có những chia sẻ, đóng góp đánh giá, đề xuất xây dựng phát triển danh mục công nghệ cần được chú trọng trong giai đoạn tới, đặc biệt cần làm rõ công nghệ cao về công nghệ sinh học ngành Công Thương, tránh trùng lặp. Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam là cơ quan nghiên cứu cơ bản đầu ngành của cả nước về lĩnh vực Công nghệ sinh học. Trong những năm qua, Viện tích cực tham gia thực hiện nhiều đề tài/dự án thuộc Đề án của Bộ Công thương và đã xây dựng được các quy trình công nghệ và phát triển sản phẩm được ứng dụng tại doanh nghiệp.

Theo PGS.TS Chu Kỳ Sơn – Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội), cần bổ sung thêm số liệu cụ thể, làm rõ các công nghệ cao, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào các dự án sản xuất thực nghiệm. Việc có báo cáo đánh giá, khảo sát cụ thể là rất cần thiết để có định hướng và đề xuất khuyến khích các doanh nghiệp lớn tham gia.

Bên cạnh đó, một số đại biểu tại cuộc họp cũng đề xuất một số ý kiến khác như: triển khai các chuỗi đề tài (cụm nhiệm vụ) từ 2021-2030 do đơn vị đề xuất lên dựa trên nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu của doanh nghiệp; cần đầu tư thiết bị và hạ tầng dữ liệu sinh học; sản xuất và thương mại hoá thiết bị và dữ liệu sinh học nằm trong lĩnh vực tin sinh học

Trao đổi với Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công thương, các đại biểu cũng đã nêu ra thực trạng phát triển Công nghệ sinh học trong thời gian qua, một số khó khăn vướng mắc trong việc nghiên cứu, phát triển công nghệ và thương mại hóa sản phẩm. Đồng thời, đề xuất một số vấn đề khoa học cần được chú trọng và đưa vào danh mục giai đoạn tới.

Đai diện Vụ đã lắng nghe ý kiến đóng góp, phản hồi từ các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ, các nhà quản lý, chuyên gia, tiếp tục cải thiện, tinh chỉnh để có thể hoàn thiện việc xây dựng danh mục công nghệ, sản phẩm công nghệ cao về công nghệ sinh học giai đoạn tới.

Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020:

Trong 13 năm triển khai từ 2007-2020, 148 nhiệm vụ khoa học công nghệ (KHCN), trong đó có 97 đề tài (chiếm 65,5%) và 51 dự án sản xuất thử nghiệm (chiếm 34,5%) đã được triển khai.

Nghiên cứu, hoàn thiện được hơn 200 quy trình công nghệ, ứng dụng rộng rãi vào sản xuất, kinh doanh.

Gần 100 sản phẩm tiêu biểu thuộc Đề án đã được nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất, kinh doanh trên thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp tham gia.

 

Vụ Khoa học Công nghệ

Bài viết khác: